Lịch sử xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Xuân Lộc – Gia Ray
Nam bộ thời Pháp thuộc, nhiều thành tựu văn minh phương Tây được du nhập vào sớm hơn các nơi khác trong cả nước. Việc xây dựng, sử dụng và mở rộng hệ thống giao thông đường sắt ở Nam bộ cũng không ngoại lệ. Để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã xây dựng và đưa vào khai thác 3 tuyến đường sắt ở Nam bộ.Tuyến đường sắt thứ nhất: Sài Gòn – Mỹ Tho ; Sài Gòn – Xuân Lộc – Gia Ray và Sài Gòn – Lộc Ninh
Sau một thời gian đưa vào khai thác, tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả đó đã thúc đẩy chính quyền Pháp tính đến một kế hoạch xây dựng một hệ thống đường sắt lớn hơn.
Ngày 20 tháng 12 năm 1898, Pháp đã thông qua kế hoạch mở tuyến đường sắt xuyên Việt. Theo kế hoạch này, toàn tuyến đường sắt sẽ được xây dựng từng phần; mà trước hết là bắt đầu từ Hà Nội làm dần vào Nam và từ Sài Gòn làm dần ra Bắc, sau đó tiếp tục mở các tuyến ngắn nối các trung tâm lớn ở các tỉnh miền Trung rồi kéo dài và nối liền thành một hệ thống xuyên suốt Bắc – Nam.
Năm 1901, thực dân Pháp bắt đầu khởi công xây dựng đoạn đường sắt đầu tiên của tuyến đường sắt xuyên Việt từ Sài Gòn ra Bắc. Đoạn đầu này dài 81km nối liền Sài Gòn với Xuân Lộc . Ngày 14 tháng 1 năm 1904, 71km đường sắt đầu tiên của tuyến Sài Gòn – Xuân Lộc đã hoàn thành và đưa vào khai thác trước. Đến ngày 30 tháng 10 năm 1904, phần còn lại của tuyến đường này cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Sau khi tuyến Sài Gòn – Xuân Lộc đi vào hoạt động, thực dân Pháp cho xây dựng nối dài thêm 18 km nữa đến Gia Ray . Đến ngày 25 tháng 8 năm 1905 thì hoàn thành và đưa vào khai thác.
Như vậy, đến tháng 8 năm 1905, tuyến đường sắt thứ hai ở Nam bộ dài 99km Sài Gòn – Xuân Lộc – Gia Ray đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Sau đó, tuyến này trở thành một phần của tuyến đường sắt xuyên Việt và cho đến nay nó là một phần của tuyến đường sắt Bắc - Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét